
Theo các chuyên gia trong ngành livestream, một tài khoản có hàng triệu người theo dõi và Hằng Du Mục livestream đều đặn thì mỗi tháng có thể thu về 4 – 10 tỷ đồng.
Báo VTC ngày 06/04/2025 đưa thông tin với tiêu đề: “Thu nhập của Hằng Du Mục trước khi bị khởi tố là bao nhiêu?” cùng nội dung như sau:
“Chiến thần livestream”
Nguyễn Thị Thái Hằng (sinh năm 1995) còn được biết đến với biệt danh “Hằng Du Mục”, là một trong những hiện tượng mạng xã hội nổi bật thời gian gần đây.
Trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lừa dối khách hàng” theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự, ngày 4/4, cô là một TikToker, KOL (Key Opinion Leader) có sức ảnh hưởng mạnh trong giới livestream bán hàng online.
Với phong cách “chốt đơn” dứt khoát, cá tính mạnh mẽ và lối nói chuyện thẳng thắn, Hằng Du Mục đã thu hút hàng triệu người theo dõi qua mạng xã hội.
Theo đó, trang TikTok chính thức của Hằng Du Mục có hơn 3,7 triệu người theo dõi, cùng với hàng triệu lượt tương tác trong mỗi video hoặc buổi livestream. Đặc biệt, cô nổi tiếng với các buổi phát sóng trực tiếp thu hút hàng chục nghìn lượt xem cùng lúc.
Bên cạnh đó, fanpage của cô cũng thu hút gần 1,1 triệu lượt thích, 2,2 triệu người theo dõi, khiến cái tên Hằng Du Mục phủ sóng rộng rãi trên khắp các nền tảng mạng xã hội.
Nguyễn Thị Thái Hằng còn được biết đến rộng rãi với biệt danh “Hằng Du Mục”.
Không giống như các TikToker đơn thuần chuyên về giải trí, Hằng tập trung mạnh vào lĩnh vực livestream bán hàng, từ quần áo, mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng.
Một trong những yếu tố giúp Hằng Du Mục trở thành “chiến thần livestream” là khả năng tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem, dù là tích cực hay tiêu cực. Trong mỗi buổi livestream, Hằng không chỉ bán hàng mà còn thường xuyên chia sẻ các câu chuyện đời sống, phản ứng với các bình luận tiêu cực và “drama” đang diễn ra trên mạng. Nhờ vậy, cô giữ chân người xem rất tốt và tạo ra một cộng đồng trung thành đông đảo.
Ngoài ra, các sản phẩm Hằng bán thường ở mức giá bình dân, phù hợp với thị hiếu số đông. Mỗi lần livestream, Hằng có thể giới thiệu từ 20 – 50 sản phẩm khác nhau, với số lượng đơn đặt hàng khổng lồ được công bố trực tiếp trong video – từ vài nghìn đến hàng chục nghìn đơn.
Thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/tháng
Theo các chuyên gia trong ngành livestream và digital marketing, một tài khoản TikTok có hàng triệu người theo dõi như của Hằng Du Mục có thể kiếm tiền từ nhiều nguồn: bán hàng trực tiếp, quảng cáo thương hiệu, tiếp thị liên kết (affiliate), cũng như tiền thưởng từ nền tảng.
Một buổi livestream bán hàng thành công có thể mang về doanh thu từ 200 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, tùy thuộc vào số lượng hàng bán ra và tỷ suất lợi nhuận.
Với tần suất livestream đều đặn, khoảng 20 – 25 buổi/tháng, tổng doanh thu hàng tháng có thể rơi vào mức 4 – 10 tỷ đồng.
Nếu trừ đi các chi phí vận hành (nhân sự, kho bãi, vận chuyển, chi phí quảng cáo…), lợi nhuận ròng có thể dao động từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng mỗi tháng.
Ngoài bán hàng, Hằng Du Mục cũng được cho là nhận quảng cáo cho một số nhãn hàng nhỏ và sản phẩm độc quyền. Mức giá cho một bài đăng quảng bá sản phẩm từ một KOL có lượng tương tác cao như Hằng có thể 20 – 50 triệu đồng/bài, hoặc cao hơn nếu bao gồm video và livestream kèm theo.
Trên các nền tảng xã hội, Hằng thường xuyên khoe cuộc sống sang chảnh, với xe hơi đắt tiền, hàng hiệu, đồ trang sức vàng bạc và những chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Cô cũng nhiều lần tuyên bố “không cần đại gia chống lưng”, “tự mình làm ra tiền tỷ”, khiến nhiều người vừa ngưỡng mộ vừa nghi ngờ.
Chính những biểu hiện “giàu nhanh” trong thời gian ngắn đã từng khiến dư luận đặt câu hỏi về nguồn gốc hàng hóa và độ minh bạch trong hoạt động kinh doanh của Hằng Du Mục.
Tuy nhiên, chỉ đến khi công an chính thức khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả có liên quan đến cô, mọi sự chú ý mới đổ dồn về mặt tối phía sau ánh hào quang của “chiến thần livestream” này.
Hằng Du Mục bị khởi tố trong vụ án Sản xuất hàng giả xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt.
Ngày 4/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng với quy mô lớn xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị Em Rọt tại TP.HCM và Đắk Lắk, trong đó Nguyễn Thị Thái Hằng là một trong những nhân vật trung tâm.
Cô bị cáo buộc đã sử dụng mạng xã hội để tiêu thụ các sản phẩm làm giả, giả mạo thương hiệu uy tín, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các nhãn hàng chính hãng.
Thông tin này khiến cộng đồng mạng và giới livestream choáng váng, bởi trước đó Hằng từng khẳng định bán hàng chính hãng, có hóa đơn rõ ràng.
Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, nhưng tài sản “khủng” mà Hằng sở hữu có khả năng bị tịch thu hoặc phong tỏa.
Trước đó, báo Dân trí ngày 05/04/2025 cũng có bài đăng với thông tin: “Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục sẽ đối mặt với hình phạt như thế nào?”. Nội dung được báo đưa như sau:
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Quang Linh, còn gọi là Quang Linh Vlogs, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, và Nguyễn Thị Thái Hằng, tức Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, cùng về tội Lừa dối khách hàng.
Ngoài ra, có 2 người khác cùng bị khởi tố về tội trên, và một bị can – Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Asia Life – bị khởi tố về tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm.
Quang Linh Vlogs (Ảnh: FBNV).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, phân tích hành vi sản xuất hàng giả là hành vi sản xuất hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
Trong khi đó, tội Lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối về sản phẩm nhằm đánh lừa khách hàng mua sản phẩm, thu lời bất chính.
Đối với tội danh mà Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố, luật sư nhận định hành vi phạm tội của họ thể hiện ở việc livestream nói quá về công dụng của sản phẩm, làm khách hàng tin tưởng là thật nên mua dùng…
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Ảnh: Hữu Nghị).
Đối với tội Lừa dối khách hàng, theo luật sư Giáp, Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức phạt từ phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc cao nhất là phạt tù tới 5 năm.
Với khung hình phạt 1-5 năm tù, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
Qua vụ việc này, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, những người nổi tiếng trên mạng cần thận trọng đánh giá tính pháp lý với mỗi dự án, sản phẩm, dịch vụ, mỗi thương vụ kinh doanh mà mình tham gia.
“Họ là những người có sức ảnh hưởng, thu hút sự chú ý rất lớn đến người tiêu dùng. Họ cần xác định rằng ngoài việc kinh doanh thì họ còn có sứ mệnh truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho giới trẻ, cho xã hội.
Nếu không thận trọng với hành vi, lời nói của mình, những người nổi tiếng sẽ vô tình tác động tiêu cực cho xã hội, và chính bản thân sẽ gặp phải những rắc rối pháp lý”, luật sư Giáp đánh giá.
Theo Bộ Công an, sau khi nhận được tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt được hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công an đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an TPHCM và các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xác minh.
Qua đó, bước đầu, nhà chức trách cáo buộc sản phẩm Thực phẩm bổ sung Kera SuperGreens Gummies (tức kẹo Kera) là sản phẩm của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, do Công ty cổ phần Asia Life sản xuất là hàng giả.
Cơ quan điều tra xác định Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt đã bán ra thị trường hơn 135.000 hộp kẹo trên, trong thời gian từ ngày 12/12/2024 đến ngày 19/3, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.