
Đặt một đơn hàng bỉm sữa trong thời gian ở cữ, vợ anh Hưng bất ngờ nhận được cuộc gọi của shipper báo rằng chị đã chuyển khoản nhầm tài khoản. Sau khi làm theo những chỉ dẫn của kẻ xấu, chị liên tục chuyển tổng cộng 700 triệu đồng mà không nhận ra mình đang rơi vào bẫy lừa vô cùng tinh vi.
7 lần chuyển khoản cho bọn lừa đảo, mẹ bỉm sữa “bay” 700 triệu đồng tiền tiết kiệm
Trong thời đại công nghệ số, lừa đảo chuyển khoản nhầm đang trở thành một chiêu trò ngày càng phổ biến, gây thiệt hại lớn cho người dân. Các thủ đoạn này thường rất tinh vi, khiến người bị hại khó phân biệt. Đặc biệt, đối tượng xấu thường lợi dụng mẹ bỉm sữa ở nhà chăm con không có nhiều thời gian tìm hiểu thông tin hoặc những người già ít hiểu biết về công nghệ.
Chiêu trò lừa đảo chuyển khoản nhầm biến hóa đa dạng
Mới đây nhất, anh Hưng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) vừa buồn vừa bức xúc khi cho biết vợ anh bị mất 700 triệu đồng xuất phát từ cuộc gọi của shipper.
Theo đó, vợ anh Hưng vừa sinh con được hơn 1 tháng. Vì ở nhà chăm con, không tiện ra ngoài mua đồ nên chị thường đặt hàng online để được giao tận nhà cho tiện. Cách đây vài ngày, chị có đặt một đơn hàng, tổng giá trị 500.000 đồng. Để thuận tiện nhất, vợ anh Hưng đã chuyển khoản tiền trước, đến lúc giao chỉ cần nhận hàng.
Anh Hưng “cầu cứu” CĐM khi vợ bị lừa 700 triệu đồng
Tuy nhiên, một ngày sau khi đặt hàng, anh Hưng kể rằng vợ mình nhận được điện thoại từ một người tự xưng là shipper. Người này nói rằng vợ anh chuyển nhầm tiền sang tài khoản khác. Để lấy lại tiền, “shipper rởm” bảo chị kết nối với đơn vị chuyển khoản nhầm để hủy thẻ hội viên, nếu không sẽ bị trừ tiền hàng tháng, mỗi tháng sẽ là 3,5 triệu đồng. Điều đáng nói, người tự xưng shipper đã đọc đúng số tiền, đúng đơn hàng, thông tin từng món hàng mà vợ anh Hưng đã đặt mua. Chính vì thế, vợ anh Hưng mới không đề phòng.
Tiếp đó, đối tượng gửi cho vợ anh Hưng một đường link, bảo đó là Facebook của người làm nhân viên chăm sóc khách hàng bên đơn vị chuyển nhầm. Chỉ cần liên hệ người này sẽ được hỗ trợ hủy thẻ hội viên và lấy lại tiền đã chuyển khoản nhầm.
Xuất phát từ cuộc gọi của shipper, vợ anh Hưng bị dẫn dụ vào “tròng”, chuyển khoản 7 lần vào tài khoản của đối tượng lừa đảo
Không chút nghi ngờ, vợ anh Hưng nghe theo, liên hệ và gọi video call với người được giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng của bên lừa đảo. Chị cũng làm theo những gì được hướng dẫn. Người này nói rằng chị chuyển tiền nhầm tài khoản, phải liên hệ với cấp cao hơn là trưởng phòng kinh doanh để nhờ kiểm tra tài khoản và lấy lại tiền. Rồi họ lập nhóm có 3 – 4 người, trong có có vợ anh Hưng và những người tự xưng là nhân viên của nơi chuyển khoản nhầm. Trong nhóm, những người này gửi ảnh hệ thống bảo phải đóng thêm tiền mới nhận được tiền về. Để tăng độ tin cậy, chúng còn gửi những hình ảnh về những người khác cũng bị trường hợp giống vợ anh Hưng, chuyển tiền nhầm và được hệ thống trả lại.
Vì tin tưởng và muốn lấy lại tiền, vợ anh Hưng liền nghe theo. Tuy nhiên, sau mỗi lần chuyển, chị đều nhận được những người kia thông báo chuyển khoản lỗi vì không ghi đầy đủ thông tin. Hết lần này đến lần khác, số tiền của lần chuyển khoản sau lại cao gấp mấy lần số tiền chuyển khoản trước. Nếu vợ anh Hưng chần chừ, liền có người vào thúc giục rối rít. Cứ như vậy, sau 7 lần chuyển khoản, vợ anh Hưng đã bị mất hết số tiền trong tài khoản mà không hề biết mình đang bị lừa đảo bởi chiêu thức vô cùng tinh vi.
Vẫn nghe lời xúi giục của những kẻ xấu này, vợ anh Hưng nhắn tin vay bạn 200 triệu đồng. Khi người bạn hỏi về lý do vay khoản tiền lớn như vậy, chị liền kể lại. Người bạn nói rằng chị đã gặp phải kẻ lừa đảo, lúc đó mới “ngã ngửa” thì số tiền tiết kiệm bao năm trời đã “không cánh mà bay” từ lúc nào, tổng cộng chị đã chuyển cho bọn lừa đảo 700 triệu đồng.
Ngay sau đó, vợ chồng anh Hưng đã đến công an trình báo. Tuy nhiên, những trường hợp lừa đảo công nghệ cao rất khó để điều tra và lấy lại tiền đã mất.
Nhiều người bị lừa tiền vì để lộ thông tin khi mua sắm trực tuyến
Có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng để lộ đơn hàng và số điện thoại khi mua sắm online, dẫn đến những cuộc gọi nhận hàng giả mạo, sau đó mất tiền oan vì rơi vào những bẫy lừa. Vì thế, các chị em cần thận trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đơn hàng và không nên chia sẻ cho những đối tượng không liên quan hoặc có khả năng lợi dụng các thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng bị rò rỉ thông tin đơn hàng và số điện thoại, dẫn đến việc nhận các cuộc gọi yêu cầu giao hàng không đúng với sản phẩm hay đơn hàng mà họ đã đặt.
Những cuộc gọi này thường lợi dụng thói quen tin tưởng của một số người mua, những người thường sẵn sàng chuyển khoản phí vận chuyển hoặc thậm chí cả tiền hàng cho người giao hàng mà không kiểm tra kỹ. Cuối cùng, khách hàng vừa mất tiền lại không nhận được đúng sản phẩm như mong đợi.
Do đó, khi thực hiện các giao dịch, người tiêu dùng cần chủ động xác minh và tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị bán hàng. Việc này có thể thực hiện thông qua các công cụ tìm kiếm, đọc đánh giá, nhận xét từ những người mua trước về cửa hàng và sản phẩm, nhằm nâng cao hiểu biết và hỗ trợ cho quyết định mua hàng.
Người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử uy tín, đặc biệt là những sàn đã được Bộ Công Thương hoặc các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và cho phép hoạt động.
Cách xử lý khi bị chuyển khoản nhầm
Dù bạn là người chuyển nhầm hay nhận tiền nhầm, việc xử lý đúng cách sẽ giúp tránh rắc rối pháp lý hoặc trở thành nạn nhân lừa đảo.
Bước 1: Kiểm tra kỹ giao dịch
Xem lại thông tin trên ứng dụng ngân hàng: số tài khoản, số tiền, thời gian chuyển, nội dung chuyển khoản… để xác định xem bạn có thực sự chuyển nhầm hay không.
Bước 2: Liên hệ ngay với ngân hàng
Gọi tổng đài hoặc chat trực tuyến với ngân hàng để báo cáo sự cố. Cung cấp thông tin chi tiết như mã giao dịch, thời gian, số tiền, tài khoản nhận…
Bước 3: Chủ động liên hệ người nhận (nếu có)
Nếu biết được người nhận, bạn có thể liên hệ để yêu cầu họ hoàn trả. Nếu họ từ chối, ngân hàng hoặc công an có thể hỗ trợ giải quyết.
Bước 4: Đề nghị ngân hàng hỗ trợ xử lý
Trong nhiều trường hợp, ngân hàng không thể tự ý hoàn tiền nếu không có sự đồng thuận của người nhận. Tuy nhiên, bạn có thể đề nghị họ làm việc với ngân hàng của bên nhận để hỗ trợ xử lý, đặc biệt khi có dấu hiệu lừa đảo.
Bước 5: Lưu giữ toàn bộ bằng chứng
Giữ lại biên lai, ảnh chụp màn hình, email, tin nhắn… Đây sẽ là cơ sở quan trọng nếu phải làm việc với cơ quan chức năng hoặc giải quyết tranh chấp pháp lý.
Đặc biệt, mọi người cần cẩn trọng, luôn xác minh kỹ trước khi chuyển khoản, không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai. Nếu có nghi ngờ, bạn hãy liên hệ ngân hàng hoặc gọi đường dây nóng của cơ quan công an để được tư vấn.
Theo H.A (Kienthuc.net.vn)