Phó hiệu trưởng có tên độc lạ, cả nước ai cũng gọi nhiều lần trong đời

Phó hiệu trưởng có tên độc lạ, cả nước ai cũng gọi nhiều lần trong đời
Phó hiệu trưởng có tên độc lạ, cả nước ai cũng gọi nhiều lần trong đời

‘Ba tôi là một chiến sĩ cách mạng. Ông đặt cho tôi tên ‘Việt Nam’ vì với ông đó là cái tên đẹp nhất. Tôi tin điều đó xuất phát từ tấm lòng yêu nước vô cùng của ông’, tiến sĩ Phan Thị Việt Nam, Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen nói.

Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam hiện là Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hoa Sen. Bà công tác tại trường từ năm 2003, trải qua các vị trí trưởng phòng đảm bảo chất lượng và khảo thí, giám đốc trung tâm sư phạm ưu tú, giám đốc trung tâm nghiên cứu và kiểm định giáo dục đại học…

Năm 2014, bà tốt nghiệp tiến sĩ Quản trị giáo dục đại học tại Trường ĐH California State University, Fullerton (Mỹ) với tấm bằng hạng ưu. Sau đó, bà giữ chức hiệu phó, rồi hiệu phó phụ trách Trường Đại học Hoa Sen.

Bà Phan Thị Việt Nam là con của chiến sĩ Phan Văn Hoàng – sau này là tiến sĩ sử học. Ông Phan Văn Hoàng (quê quán Đà Nẵng) là sinh viên khoa Pháp văn, Đại học Khoa học Huế và Đại học Sư phạm Huế. Tốt nghiệp đại học, ông Hoàng về công tác tại Trường Trung học công lập Truồi (Huế), rồi hoạt động bí mật làm nội tuyến cho Thành ủy Huế.

Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: NVCC

Sau sự kiện Mậu Thân 1968, các cơ sở cách mạng bị vỡ, ông Hoàng bị Ty Cảnh sát Thừa Thiên bắt giam. Đêm giáng sinh 1968, nhân lúc địch sơ hở, ông trốn thoát vào Sài Gòn, trở thành cơ sở của An ninh T4 với bí danh Năm Trần, hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của ông Mười Hương (nhà tình báo Trần Quốc Hương).

Bài viết liên quan  Vợ Quang Hải so kè vợ Duy Mạnh bất phân thắng bại, lại "thua đau" người này!

Trước 1975, ông Hoàng từng được giao đặt mìn, ám sát tên Bửu – hồi đó là Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động – một tay sai của Mỹ – từng chia rẽ, đàn áp phong trào công nhân Sài Gòn. Dù tên Bửu thoát chết nhưng sự kiện ông Hoàng đặt mìn ám sát đã làm chấn động Sài Gòn lúc đó. Sau ngày 30/4/1975, chiến tranh kết thúc, ông Hoàng trở lại với nghề mình yêu thích – làm thầy giáo dạy lịch sử ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Bà Phan Thị Việt Nam sinh năm 1979, là con gái đầu lòng của TS Phan Văn Hoàng.

“Ngày ba còn sống, tôi hỏi ông về ý nghĩa của cái tên ‘Việt Nam’ của mình. Ông nói đó là cái tên đẹp nhất trong muôn vạn ngàn tên gọi. Tôi tin điều đó xuất phát từ tấm lòng yêu nước vô cùng của ông. Ông đã dành tình cảm lớn lao đó cho đứa con gái đầu lòng”, bà Phan Thị Việt Nam chia sẻ.

Bà nhớ ba mình thường hay đọc đoạn thơ ông ‘biến tấu’ từ bài thơ Miền Nam của nhà thơ Tố Hữu:

Khi âu yếm cùng anh, em hỏi;
Tên nào trong muôn ngàn tên gọi;
Như mối tình chung thủy không tan?
Trong lòng anh tên ấy: Việt Nam.

Bản gốc bài thơ Miền Nam của Tố Hữu là:

Khi âu yếm cùng anh, em hỏi
Tên nào trong muôn ngàn tên gọi
Như mối tình chung thủy không tan?
Trong lòng anh, tên ấy: Miền Nam.

Với bà Phan Thị Việt Nam, cái tên đó có một ý nghĩa đặc biệt, trở thành giá trị sống và học tập suốt cuộc đời. Bản thân bà luôn nỗ lực để xứng đáng với tên mình. Trong giao tiếp hay công việc hằng ngày, bà Phan Thị Việt Nam chưa bao giờ gặp trở ngại vì tên này. Ngược lại, bà cảm nhận được thiện cảm ban đầu khi gặp gỡ mọi người, giúp công việc thuận lợi hơn.

Bài viết liên quan  Bé trai 4 tháng tuổi tử vong trong khe thoát hiểm

Cố tiến sĩ lịch sử Phan Văn Hoàng – ba của tiến sĩ Phan Thị Việt Nam. Ảnh: NVCC

Khi bà du học ở Mỹ, nhiều bạn bè, đồng nghiệp ngạc nhiên khi biết bà có tên Việt Nam. Bà đã chia sẻ với họ câu chuyện phía sau cái tên ấy với tất cả sự tự hào.

“Họ công nhận tôi xứng đáng với tên gọi ấy trước những gì tôi đã thể hiện trong suốt khóa học tiến sĩ tại Mỹ. Tôi cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam trong khóa đó. Khi tên Phan Thị Việt Nam được xướng lên, tôi hãnh diện và vui sướng”, bà nhớ lại.

Theo bà Phan Thị Việt Nam, người ba Phan Văn Hoàng đã dạy con bằng tình yêu vô hạn và tấm gương sáng của chính cuộc đời ông – người luôn sống với cái tâm sáng, làm việc hết mình, sẵn sàng cho đi mà không cần nhận lại.

“Ba tôi đã sống cả đời với một lòng yêu nước vô điều kiện, hy sinh bản thân cho đất nước. Ba từ bỏ việc là một ‘cậu ấm’ có suất du học Pháp để tham gia kháng chiến, vào chiến khu, hoạt động tình báo và an ninh ngay trong lòng địch ở nội thành Sài Gòn. Khi đất nước hòa bình, ba tôi đã chuyển sang ngành giáo dục với mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng việc tường thuật lại lịch sử một cách chân thật và đầy đủ nhất.

Bài viết liên quan  Đá gà thiếu nợ, đi cướp tiệm vàng để trả

Tôi hiểu sâu sắc giá trị tên gọi Phan Thị Việt Nam nên luôn sống, làm việc sao cho xứng đáng với cái tên ấy. Đó cũng là kỳ vọng và tình yêu thương ba mẹ đặt vào tôi”, bà Việt Nam nói và cho hay sẽ luôn lấy phương châm sống trung thực, giữ cái tâm trong sáng, và truyền cảm hứng, dẫn dắt cho các đồng nghiệp trẻ.

(Theo Vietnamnet.vn)