
Với cương vị là ‘lá chắn’ bảo vệ người tiêu dùng, người này lại đi ngược lại tất cả, trở thành kẻ ‘chống lưng’ cho các đơn vị sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả.
Liên tiếp những vụ buôn bán, sản xuất thực phẩm giả đã bị cơ quan công an phát hiện thời gian qua. Những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, làm dấy lên những lo sợ trong dư luận. Liệu có sự buông lỏng, tiếp tay từ cơ quan quản lý, khiến thực phẩm bẩn có cơ hội tuồn ra thị trường?
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Phong (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế) và các cán bộ Cục An toàn thực phẩm để điều tra hành vi nhận hối lộ. Bốn cán bộ Cục An toàn thực phẩm khác, gồm: Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, chuyên viên trung tâm và Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc, bị cơ quan điều tra khởi tố với cùng tội danh.
Từ trái qua: Các bị can Nguyễn Thanh Phong; Đinh Quang Minh; Nguyễn Thị Minh Hải; Lê Thị Hiên; Cao Văn Trung. Ảnh: Bộ Công an
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ sai phạm của các cán bộ Cục ATTP, Bộ Y tế trong thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (Giấy chứng nhận GMP) cho Nhà máy MediPhar và Nhà máy MediUSA; Cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (Giấy phép công bố sản phẩm) cho nhóm 9 công ty của Nguyễn Năng Mạnh.
VietNamNet đưa tin, từ 2016, Nguyễn Năng Mạnh đã cùng đồng phạm tổ chức, điều hành 9 công ty, Nhà máy MediPhar và Nhà máy MediUSA sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả với số lượng cực khủng, nhiều chủng loại.
Sau khi bị bắt, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, sau mỗi lần cấp dưới đi hậu kiểm ở doanh nghiệp về đều sẽ đưa phong bì “lót tay” cho ông và nói đây là quà “doanh nghiệp cảm ơn”…
Nguyên Cục trưởng này cho biết, ông đã nhận tổng cộng 250 triệu đồng sau những lần đi cấp chứng nhận GMP, hậu kiểm cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA.
Ông Nguyễn Thanh Phong. Ảnh: Bộ Công an
Việc ông Phong bị phát hiện, điều tra hành vi nhận hối lộ khiến dư luận vô cùng bức xúc. Nhiều người cho rằng cương vị của ông Phong vốn là người bảo vệ người tiêu dùng, nhưng lại dùng quyền hạn để tiếp tay làm hại người tiêu dùng, “chống lưng” cho thực phẩm giả.
Về vấn đề này, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ với VietNamNet rằng, trong các tội phạm về tham nhũng và chức vụ thì tội Nhận hối lộ là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có hình phạt cao nhất là tử hình.
Vụ án lần này có nhiều bị can, nhiều doanh nghiệp và hành vi phạm tội kéo dài, liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức. Vì vậy nên CQĐT sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các bị can là các cán bộ tại Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế để làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội và số tiền mà các bị can đã nhận hối lộ, từ đó đưa ra hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài các bị can bị xử lý về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 BLHS, CQĐT cũng sẽ làm rõ hành vi đưa hối lộ, nếu đủ căn cứ thì sẽ xử lý người đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 BLHS.