
Trong khi nhiều người lên tiếng chỉ trích cô giáo thì số khác lại nhắc nhở phụ huynh của đứa trẻ.
Theo Người đưa tin ngày 16/5 có bài Dòng chữ kém duyên trên cánh tay học sinh mầm non do cô giáo viết khiến gia đình tức giận, mẹ Việt tranh cãi. Nội dung như sau:
Khi con bước vào độ tuổi đi học, mối liên hệ chặt chẽ giữa cha mẹ và cô giáo – nhà trường là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo trẻ nhận được sự chăm sóc, giáo dục tốt nhất.
Mới đây, một câu chuyện gây xôn xao mạng xã hội Việt chia sẻ về vấn đề này, được nhiều người quan tâm. Cụ thể, từ tài khoản mạng xã hội có tên Bun Family chia sẻ một bức ảnh chụp bé trai mẫu giáo (được cho là cháu của người đăng tải) đi học về.
Ảnh Bun Family
Gia đình phát hiện có 1 dòng chữ kỳ lạ được viết trên cánh tay đứa trẻ. Khi đọc to dòng chữ đó lên, gia đình đã vô cùng bức xúc vì dòng chữ được chính cô giáo của con viết với nội dung: “Nộp tiền học”.
Người này cho biết: “Hôm nay, cháu mình đi học về với dòng chữ “nộp tiền học” viết trên cánh tay nhỏ bé”.
Ngay lập tức, câu chuyện thu hút sự chú ý và tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Ảnh Bun Family
Rất nhiều người nhanh chóng lên tiếng chỉ trích cô giáo thiếu tinh tế bởi thực chất chuyện tiền nong là vấn đề của những người lớn với nhau, cô giáo – nhà trường – phụ huynh. Cô giáo không nên viết lên tay trẻ như thế để nhắc phụ huynh đóng tiền, như thế gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc của đứa trẻ..
Song bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến bênh vực cô giáo:
– Thay vì trách giáo viên không suy nghĩ cho học sinh thì bản thân người làm cha mẹ cần thực hiện tốt các nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân mình với con đi đã, đến con ruột còn không để tâm, không thương xót thì bắt ai phải xót hộ.
– Đóng đúng hạn thì chắc không cô giáo nào ghi lên tay thằng bé.
– Biết là không nên nhưng cũng hết năm rồi phụ huynh, đóng học thôi đi chứ.
– Không bênh giáo viên nhưng phụ huynh chắc cũng lì lắm, chắc nhắc nhiều lần rồi chăng.
Cũng có những ý kiến trung lập:
– Đứa trẻ không có tội nhưng hành động của bố mẹ làm tội đứa trẻ. Không phải lần đầu cô giáo nhắc đóng tiền nên mới đến mức thế này. Mình không ủng hộ cô giáo nhưng đừng trách cô giáo sao có hành động nên vậy do phụ huynh nên trẻ con hứng chịu. Có khó khăn nên nhắn tin gọi điện cho cô giáo báo là một chuyện khác. Đừng biến mình là nạn nhân khi mình tạo ra sự việc đó.
– Tôi cũng có con đi mầm non. Tôi thấy có 1 số phụ huynh rất lì luôn, cô giáo thu tiền học cho nhà trường không khác gì đi đòi nợ luôn, cô nộp tiền muộn nhà trường cũng nói cô chứ bộ. Có lúc cô giáo còn ứng tiền ra để đóng học cho các con trước, sau đòi phụ huynh sau. Phải như thế nào cô giáo mới ghi vào tay trẻ thế chứ đóng học luôn chả ai nói làm gì.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, vấn đề này cần được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau giống như những quan điểm của mọi người:
Tác động tâm lý đến trẻ
Trẻ em mầm non còn rất nhỏ, và việc viết lên tay chúng có thể tạo ra cảm giác không thoải mái. Trẻ có thể cảm thấy bị phân biệt, hoặc thậm chí là xấu hổ nếu các bạn học khác thấy. Hành động này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn nhạy cảm này.
Định hình ý thức trách nhiệm
Mặc dù việc nhắc nhở trẻ về nghĩa vụ nộp tiền học có thể được coi là một cách để giáo dục ý thức trách nhiệm, nhưng phương pháp này không phải là cách hiệu quả. Thay vì viết lên tay, cô giáo có thể sử dụng các phương pháp giáo dục tích cực hơn, như trò chuyện trực tiếp với phụ huynh hoặc thông qua các hoạt động nhóm để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Vai trò của phụ huynh
Phụ huynh cũng có trách nhiệm trong việc tự giác nộp tiền học cho con. Việc giáo viên thực hiện điều này có thể làm giảm vai trò của phụ huynh trong việc giáo dục con cái. Thay vào đó, giáo viên nên khuyến khích phụ huynh tham gia vào quá trình giáo dục, giúp trẻ hiểu rõ hơn về các nghĩa vụ tài chính.
Văn hóa và truyền thống
Tùy thuộc vào từng nền văn hóa, hành động này có thể được xem là bình thường hoặc không. Trong một số nơi, việc nhắc nhở học sinh bằng cách này có thể được chấp nhận như một phần của quy trình giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, nơi mà sự tôn trọng đối với quyền cá nhân ngày càng được coi trọng, hành động này có thể bị xem là không phù hợp.
Tóm lại, việc cô giáo viết lên tay học sinh dòng chữ “nộp tiền học” không nên được thực hiện. Hành động này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ và không thực sự hiệu quả trong việc giáo dục ý thức trách nhiệm. Thay vào đó, các phương pháp giáo dục tích cực và tôn trọng hơn cần được áp dụng để đảm bảo rằng trẻ em không chỉ hiểu nghĩa vụ mà còn cảm thấy thoải mái và tự tin trong môi trường học tập của mình.
Ngày 10/05/2025 Dân trí đưa tin “Giáo viên không được “mắng” học sinh tiểu học theo quy định kỷ luật mới”. Nội dung chính như sau:
Không được “mắng” học sinh tiểu học, không ghi thông tin kỷ luật trong học bạ
Thông tư gần nhất quy định riêng về khen thưởng, kỷ luật học sinh là Thông tư 08, được ban hành từ năm 1988, tức cách đây 37 năm.
Theo quy định này, tùy theo mức độ vi phạm mà học sinh bị kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật của nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.
Năm 2020, khi Thông tư 28 về Điều lệ trường tiểu học và Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học ra đời, Thông tư 08 không bị thay thế hoàn toàn. Các trường phải áp dụng linh hoạt đồng thời cả 3 Thông tư này.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thủy, TPHCM trong một tiết học (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Cụ thể, trường tiểu học không còn hình thức kỷ luật học sinh là đuổi học có thời hạn (tạm dừng học có thời hạn).
Cũng ở bậc tiểu học, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường và trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Ở bậc THCS và THPT, Thông tư 32 cho phép tạm dừng học học sinh nhưng không nêu rõ về thời hạn tối thiểu và tối đa. Do đó, cách thức áp dụng hình thức kỷ luật này ở các trường khác nhau.
Thời gian tạm dừng học thông dụng nhất vào khoảng 1-5 ngày. Rất hiếm trường thực hiện tạm dừng học 1 năm với học sinh vi phạm.
Ngoài ra, dù Thông tư 32 không cấm khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước toàn trường như quy định trong Thông tư 08 nhưng các trường cũng bỏ hình thức này.
Thay vào đó, các biện pháp tích cực hơn đã được định hướng được áp dụng gồm: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp hoặc khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 08 sẽ làm rõ các nội dung này, quy định cụ thể những hình thức kỷ luật mà nhà trường được làm và không được làm.
Theo đó, hình thức đuổi học hay tạm dừng học có thời hạn bị bãi bỏ. Hình thức khiển trách, cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường cũng không được áp dụng.
Với học sinh tiểu học, chỉ có 2 hình thức kỷ luật là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi.
Giáo viên không được phê bình học sinh, tức không được dùng lời nói có tính nhấn mạnh và thái độ nghiêm khắc với học sinh – theo định nghĩa trong dự thảo thông tư.
Đồng thời, nhà trường không được lưu vào hồ sơ và học bạ của học sinh tiểu học thông tin kỷ luật học sinh.
Với học sinh THCS và THPT, có 3 biện pháp kỷ luật được áp dụng là: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết kiểm điểm.
Ngoài ra, nhà trường, giáo viên cần thực hiện một số hoạt động hỗ trợ học sinh để khắc phục hành vi vi phạm gồm: Khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục; yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp để khắc phục; phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm.
Dự thảo thể hiện quan điểm đặt vai trò trách nhiệm của nhà trường lên trên hết trong việc giúp học sinh sửa lỗi. Nhà trường phải thực hiện các biện pháp từ nhắc nhở, phê bình đến khuyên bảo, động viên, theo dõi, tư vấn…
Biện pháp phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm được đặt ra sau cùng.
Tặng giấy khen của hiệu trưởng cho học sinh phải tổ chức trang trọng
Tương tư như quy định về kỷ luật, quy định khen thưởng học sinh hiện hành được áp dụng chủ yếu theo Thông tư 28 và Thông tư 32.
Theo đó, học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được khen thưởng bằng các hình thức: Tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường; khen thưởng các danh hiệu học sinh; cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen và các hình thức khen thưởng khác.
Dự thảo Thông tư mới cơ bản giữ nguyên các hình thức khen thưởng này, nhưng quy định chi tiết, cụ thể hơn nhằm tăng tính chất trang trọng của việc khen thưởng.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ 4 hình thức khen thưởng tương ứng với mức độ của mỗi hành vi tốt hoặc thành tích tốt của học sinh, gồm: tuyên dương trước lớp, tuyên dương trước toàn trường, giấy khen của hiệu trưởng, thư khen và các hình thức tuyên dương khác.
Giấy khen của hiệu trưởng không chỉ dành cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập rèn luyện mà còn dành cho học sinh tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, có nhiều đóng góp cho lớp, trường, công tác Đoàn Đội.
Đồng thời, việc tổ chức tặng giấy khen cho học sinh phải trang trọng, thời điểm phù hợp để kịp thời động viên, khuyến khích, tôn vinh, nêu gương đối với học sinh.
Quy định hiện hành không yêu cầu nhà trường phải tổ chức hoạt động trao tặng giấy khen này.