Được ‘ông trùm’ đất hiếm tặng túi hoa quả, mở ra thấy 500 triệu

Được ‘ông trùm’ đất hiếm tặng túi hoa quả, mở ra thấy 500 triệu
Được ‘ông trùm’ đất hiếm tặng túi hoa quả, mở ra thấy 500 triệu

Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản khai được Chủ tịch Công ty đất hiếm Thái Dương tặng quà sinh nhật là một “túi hoa quả”, khi về mở ra thấy bên trong có 500 triệu đồng.

Chiều 12.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 27 bị cáo trong vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương). Hội đồng xét xử thẩm vấn đối với nhóm bị cáo thuộc Bộ TN-MT.

Theo cáo buộc, dù hồ sơ của Công ty Thái Dương “thiếu thốn đủ bề”, nhưng khi thẩm định, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) và một số cán bộ thuộc đơn vị này vẫn nhận xét là “đủ điều kiện”. Từ căn cứ này, ông Nguyễn Linh Ngọc, với tư cách Thứ trưởng Bộ TN-MT, ký cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thái Dương.

Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn sau đó chỉ đạo nhân viên tổ chức khai thác hàng ngàn tấn quặng đất hiếm và quặng sắt, với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng.

Cựu Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thuấn tại tòa. ẢNH: PHÚC BÌNH

“Chủ quan nên không xem kỹ hồ sơ”

Khai tại tòa, ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết, năm 2013, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ cấp phép khai thác mỏ đất hiếm đến Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, dựa trên bộ hồ sơ đã từng nộp trước đó vào năm 2011.

Lẽ ra, hồ sơ của doanh nghiệp phải được thẩm định lại, xem xét tất cả, “nhưng vì lúc đó anh em trình lên, thấy đầy đủ theo quy định nên bị cáo không kiểm tra, đọc dự thảo giấy phép thì ký tờ trình luôn”, ông Thuấn khai.

Phân trần về sai phạm của bản thân, cựu Tổng cục trưởng đưa ra hai lý do. Năm 2012, ông Thuấn làm việc với một công ty ở Nhật Bản đang muốn hợp tác với Công ty Thái Dương về khai thác đất hiếm. Doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ băn khoăn khi thấy trữ lượng dự kiến của mỏ Yên Phú ít, không đủ để xây dựng nhà máy.

Thấy vậy, ông Thuấn thông tin về một mỏ khác mới phát hiện, công ty có thể xin phép thăm dò, khai thác. “Bị cáo rất hi vọng có một hợp tác như thế, nói sẽ tạo điều kiện trên cơ sở đúng quy định pháp luật. Cũng vì tâm lý này mà chủ quan, không xem kỹ hồ sơ”, bị cáo Thuấn trình bày.

Lý do tiếp theo, ông Thuấn nói giai đoạn này mình là người đề xuất chính sách thu tiề.n cấp quyền khai thác khoáng sản. Quá trình xây dựng dự thảo nghị định gặp phải “sự phản đối quyết liệt từ các nhóm lợi ích”, vì mỏ nào trữ lượng ít thì phải nộp vài tỉ, trữ lượng lớn lên tới cả ngàn tỉ đồng.

Bài viết liên quan  Chính thức công bố thời điểm tăng lương hưu thêm 15%: Hàng ngàn người trong diện được xét phấn khởi vô cùng

Video đang HOT

Trước tình thế trên, ông Thuấn “rất bi quan” bởi đã quá hạn 2 năm mà dự thảo chưa thể thông qua, trong khi chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu. Nếu chính sách đổ bể, khả năng ông đối mặt với trách nhiệm hình sự là rất lớn, vì ngân sách đã bỏ ra nhiều tỉ đồng để nghiên cứu. “Bị cáo hoàn toàn hoang mang, lo sợ, chểnh mảng một số công việc, trong đó có cấp phép khai thác”, ông Thuấn khai.

Hội đồng xét xử vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm. ẢNH: PHÚC BÌNH

Doanh nghiệp tặng quà 500 triệu, gọi lại nhưng không bắt máy

Tiếp tục thẩm vấn với cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, chủ tọa hỏi có quen biết cá nhân nào ở Công ty Thái Dương ngoài Chủ tịch Đoàn Văn Huấn không? Ông Thuấn khai chỉ biết duy nhất ông Huấn, khi tham gia họp hội đồng khoáng sản, thăm dò… để xem xét cấp phép đối với mỏ đất hiếm Yên Phú.

“Bị cáo Huấn có gặp gỡ, nhờ vả gì để được cấp giấy phép không?”, chủ tọa hỏi. Ông Thuấn lập tức khẳng định “hoàn toàn không”, vì bị cáo luôn làm việc theo quy định.

“Đến giờ, bị cáo có thừa nhận mình sai?”, chủ tọa tiếp tục hỏi. Ông Thuấn thừa nhận “chắc chắn là sai”, khi cơ quan điều tra cho xem lại hồ sơ, “chính bị cáo cũng giật mình”.

“Vậy sai ở đâu?”, chủ tọa truy vấn. Ông Thuấn nói hồ sơ chưa đủ điều kiện theo quy định, lẽ ra phải có giấy phép đầu tư, chứng thư kiểm toán…

“Tóm lại là thiếu nhiều loại giấy tờ kèm theo hồ sơ đúng không?”, chủ tọa chốt vấn đề. Cựu tổng cục trưởng gật đầu, nói: “thiếu một số thôi ạ, khoảng 5 – 6 cái”.

Theo kết luận điều tra, sau khi Công ty Thái Dương được cấp giấy phép, vào khoảng tháng 7.2013, văn phòng tổ chức sinh nhật cho ông Thuấn. Ông Huấn có đến tham dự, chúc mừng bằng một bó hoa và một túi hoa quả.

Khi về, ông Thuấn mở túi hoa quả ra thì thấy bên trong có phong bì 500 triệu đồng. “Bị cáo giật mình, gọi lại cho anh Huấn nhưng không nhấc máy”, cựu Tổng cục trưởng kể.

Sau này làm việc với cơ quan điều tra, ông Thuấn cho biết đã “khai ngay” và nộp lại toàn bộ số tiề.n nêu trên.

Vụ ngụy trang đất hiếm ‘tuồn’ ra nước ngoài: Bộ Công an truy nã Lưu Đức Hoa

Hàng trăm tấn quặng đất hiếm được pha trộn, khai báo sai phạm nhằm ‘tuồn’ ra nước ngoài. Bộ Công an làm thủ tục truy nã người đàn ông tên Lưu Đức Hoa, quốc tịch Trung Quốc.

Bài viết liên quan  Hà Nội: Yêu cầu xử lý nghiêm hành vi lợi dụng quá trình sắp xếp bộ máy để trục lợi

Như Thanh Niên đã đưa tin, Viện KSND tối cao mới đây ban hành cáo trạng truy tố 27 bị can trong vụ án Công ty Thái Dương và các đơn vị liên quan khai thác trái phép đất hiếm ở mỏ Yên Phú (Yên Bái).

Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị cáo buộc 3 tội danh: vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; gây ô nhiễm môi trường.

Theo cơ quan công tố, với vai trò lãnh đạo Công ty Thái Dương, ông Huấn đã tổ chức, chỉ đạo khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú, với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng, trong đó các bị can đã tiêu thụ số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng.

Bị can Đoàn Văn Huấn (trái), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc Công ty Thái Dương

ẢNH: C.A

Xuất khẩu “chui” sang Trung Quốc, Nhật Bản, Áo

Cáo trạng cho thấy, từ năm 2019 – 2023, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã mua hơn 3.511 tấn quặng đất hiếm hàm lượng TREO 18 – 20% của Công ty Thái Dương.

Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam, chỉ đạo nhân viên chế biến số quặng đã mua, bằng việc đưa thêm một phần nguyên liệu muối carbonate nhập từ Trung Quốc để nâng cao hàm lượng TREO.

Kết quả, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã chế biến tổng số 482 tấn tổng ô xit đất hiếm hàm lượng TREO trên 95%. Ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới thực hiện thủ tục xuất khẩu cho các công ty tại Nhật Bản, Áo, Trung Quốc, với tổng trị giá hơn 379 tỉ đồng.

Cơ quan công tố xác định, từ năm 2019 – 2021, theo quy định của Bộ Công thương, quặng đất hiếm được khai thác trong nước phải tinh luyện thành “bột ô xit đất hiếm riêng rẽ” đạt hàm lượng từ 99% trở lên mới được phép xuất khẩu. Thế nhưng, ông Tuấn chỉ đạo mở 47 tờ khai hải quan để xuất khẩu hơn 311 tấn “tổng ô xit đất hiếm” khi chưa tinh luyện thành “bột ô xit đất hiếm riêng rẽ”.

Từ năm 2022, quy định mới của Bộ Công thương cho phép xuất khẩu “tổng các (ô xit, hydroxit, muối) đất hiếm” khi hàm lượng TREO đạt từ 95% trở lên, thuế suất 10%. Lần này, ông Tuấn chỉ đạo nhân viên mở 16 tờ khai hải quan để xuất khẩu hơn 162 tấn “tổng ô xit đất hiếm” hàm lượng TREO trên 95%, nhưng khai báo sai mã hàng hóa và được hưởng thuế suất 0%.

Bài viết liên quan  Cà Mau: Khen thưởng Công an TT.Trần Văn Thời phát hiện bị can trốn truy nã

Quá trình thực hiện thủ tục hải quan để xuất khẩu, ông Tuấn còn chỉ đạo hợp thức nguồn nguyên liệu đầu vào là nguyên liệu nhập khẩu, lập báo cáo quyết toán hải quan không đúng nhằm che giấu số quặng đất hiếm đã mua của Công ty Thái Dương. Cùng với đó là chỉnh sửa số liệu các hợp đồng, hóa đơn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc…

Hành vi của ông Tuấn và đồng phạm bị truy tố về tội buôn lậu.

Truy nã Lưu Đức Hoa

Một nguồn thu mua quặng đất hiếm khác của Công ty Thái Dương là Lưu Đức Hoa (quốc tịch Trung Quốc). Từ tháng 10 – tháng 11.2021, người này đã mua hơn 2.160 tấn quặng hàm lượng 14 – 17% của Đoàn Văn Huấn tại mỏ Yên Phú.

Để có nhà xưởng chế biến quặng đất hiếm nhằm vận chuyển về Trung Quốc, Lưu Đức Hoa thuê đất của một doanh nghiệp tại Việt Nam, rồi thỏa thuận với Đoàn Văn Huấn về việc giao hàng tại các kho ở Hải Phòng.

Ngoài ra, để làm thủ tục nhập cảnh và đăng ký cấp phép lao động cho các công nhân, chuyên gia Trung Quốc thuê sang Việt Nam để chế biến, pha trộn đất hiếm, Lưu Đức Hoa thỏa thuận với doanh nghiệp cho thuê đất sẽ đứng ra đăng ký lao động để hợp thức hóa thủ tục.

Đáng chú ý, do nguồn gốc quặng đất hiếm mua của Đoàn Văn Huấn không có hóa đơn, giấy tờ hợp pháp và chưa đủ hàm lượng TREO 95% để xuất khẩu, Lưu Đức Hoa chỉ đạo công nhân trộn hóa chất, nhiệt luyện, thủy luyện tạo hành hỗn hợp Oxalate chứa tinh quặng đất hiếm để che giấu các cơ quan chức năng.

Người này còn thuê một công ty tại Trung Quốc làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, khai báo là “hỗn hợp chất oxalate (thực chất là đất hiếm) từ Việt Nam sang Trung Quốc…

Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 5 – tháng 9.2023, hơn 200 tấn “hỗn hợp chất oxalate” đã được khai báo hải quan để xuất khẩu. Thực tế số hàng hóa này đều là đất hiếm đã được Lưu Đức Hoa pha trộn, ngụy trang để xuất khẩu trái phép.

Tính theo đơn giá thực tế quặng đất hiếm hàm lượng TREO 14 – 20% Huấn khai thỏa thuận bán cho Hoa, cơ quan tố tụng xác định số lượng quặng đất hiếm đã bị xuất khẩu trái phép có trị giá hơn 7,8 tỉ đồng.

Hành vi của Lưu Đức Hoa và những người liên quan bị cáo buộc phạm tội buôn lậu. Tuy nhiên, trước khi khởi tố vụ án, người này xuất cảnh về Trung Quốc. Bộ Công an đã làm thủ tục truy nã quốc tế nhưng chưa có kết quả, nên quyết định tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra.

Nguồn: https://vietgiaitri.com/duoc-ong-trum-dat-hiem-tang-tui-hoa-qua-mo-ra-thay-500-trieu-20250513i7440873/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDAwMS1MaW5rXzIwMjUwNTEzfDIxOjA1OjIy