
Khối lượng công việc nhiều hơn đòi hỏi cán bộ đảm đương phải đủ năng lực chuyên môn (Ảnh: Hằng Nguyễn).
Tinh thần dám nghĩ, dám làm
Điều 35 dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến nêu 3 trường hợp cán bộ, công chức có thể được miễn trách nhiệm.
Thứ nhất, cán bộ chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên sau khi đã báo cáo với người ra quyết định.
Thứ hai, cán bộ thực hiện hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung,
Thứ ba là trường hợp bất khả kháng.
So với luật hiện hành, dự luật bổ sung quy định miễn trừ trách nhiệm với cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Theo các chuyên gia, tinh thần dám nghĩ, dám làm được nhấn mạnh cả trong luật lẫn trong thực tế. Một trong những lý do khu vực nhà nước lâu nay kém thu hút với người lao động có năng lực là bởi các quy định khắt khe, phức tạp khiến cán bộ khó phát huy được tính năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới.
Bối cảnh mới không còn chỗ cho những cán bộ ngại đụng chạm, muốn yên thân (Ảnh: Hằng Nguyễn).
Trước đó, theo Nghị định số 73 năm 2023 của Chính phủ, nhà nước khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nghị định quy định, trường hợp cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo không hoàn thành hoặc gây ra thiệt hại nhưng có động cơ trong sáng và vì lợi ích chung sẽ được bảo vệ.
TS Nguyễn Văn Đáng nhận định, sau cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, cả hệ thống rất cần những cán bộ không những giỏi chuyên môn mà phải có bản lĩnh chính trị. “Bối cảnh mới không còn chỗ cho những người muốn yên thân, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Chỉ có bứt phá, bung ra mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới”, ông Đáng nhấn mạnh.
Các quy định hiện hành cũng đang hướng tới bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Bộ Nội vụ nhấn mạnh, quy định mới sẽ tạo ra môi trường và điều kiện để thúc đẩy sự sáng tạo, từ đó thu hút nhân tài vào khu vực công.
Động lực cống hiến của “người nhà nước”
Nói về những yếu tố then chốt để tuyển chọn cán bộ phù hợp với bộ máy sau sáp nhập, TS Nguyễn Văn Đáng nêu nguyên tắc “tinh thần phù hợp với lợi ích chung luôn là một trong những tiêu chí cần phải có”. Thực tế, có những người rất giỏi chuyên môn, nhưng đề cao lợi ích kinh tế cá nhân mà xem nhẹ lợi ích của nhà nước. Theo ông Đáng, người có quan điểm như vậy không phù hợp với công việc làm công bộc.
Theo các chuyên gia, mức đãi ngộ với công chức, viên chức nhà nước lâu nay thấp hơn đáng kể so với khu vực tư nhân. Rõ ràng, người lao động khi xác định làm việc trong môi trường nhà nước không nên đặt vấn đề thu nhập lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Đức Lam nêu thực tế, một cơ quan hành chính công của Nhật Bản có tỉ lệ cạnh tranh khi ứng tuyển là 1 “chọi” 100, dù mức lương ở khu vực công tại đây cũng thấp hơn nhiều so với khu vực tư.
“Nhiều người ứng tuyển vì sự uy tín của “người nhà nước”. Khả năng được trọng vọng khi làm cho cơ quan nhà nước cũng cao hơn môi trường tư nhân. Với nhiều người, được đóng góp và tôn trọng còn có ý nghĩa lớn hơn thu nhập. Tạo được động lực cống hiến như thế trong môi trường nhà nước là rất quan trọng”, ông đúc kết.