Vì sao người dân mất hàng tỷ dù đã xác thực khuôn mặt khi giao dịch ngân hàng?

Vì sao người dân mất hàng tỷ dù đã xác thực khuôn mặt khi giao dịch ngân hàng?
Vì sao người dân mất hàng tỷ dù đã xác thực khuôn mặt khi giao dịch ngân hàng?

Người dân vẫn bị lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng dù đã thực hiện xác thực khuôn mặt khi giao dịch ngân hàng. Câu hỏi đặt ra, xác thực sinh trắc học liệu có còn đủ an toàn khi các đối tượng lừa đảo vẫn dễ dàng ‘qua mặt’?

Nhiều nạn nhân mất tiền tỷ vì bị đe dọa

Sáng 14/5, ông Đ. (trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên Công ty Điện lực Đan Phượng. Người này yêu cầu ông “số hóa hồ sơ” để phục vụ cho việc thu tiền điện hàng tháng.

Ảnh minh họa.

Lợi dụng sự chủ quan của ông Đ., đối tượng hướng dẫn ông đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để “đồng bộ thông tin”. Ngay sau khi hoàn tất thao tác, ông Đ. tá hỏa khi phát hiện tài khoản bị trừ mất 1 tỷ đồng. Biết mình bị lừa, ông lập tức đến cơ quan công an trình báo.

Chỉ một tuần trước đó, chiều 7/5, chị L. (19 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của một chiêu trò lừa đảo tinh vi. Chị L. nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh, thông báo rằng chị đang bị điều tra vì liên quan đến đường dây rửa tiền và buôn bán ma túy.

Trong lúc hoảng loạn, chị L. đã làm theo yêu cầu của đối tượng và chuyển gần 3 tỷ đồng vào tài khoản “phục vụ điều tra”. Sau khi thực hiện xong các giao dịch, nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, chị đã đến Công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trình báo.

Bài viết liên quan  Vợ đột tử khi đang chuẩn bị đưa tang chồng

Xác thực khuôn mặt nhưng vẫn bị chiếm đoạt tiền, vì sao?

Theo Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường gửi cho nạn nhân đường link chứa mã độc hoặc ứng dụng giả mạo. Khi nạn nhân truy cập và làm theo hướng dẫn, toàn bộ thiết bị sẽ bị chiếm quyền điều khiển.

Nhiều người trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Ảnh: Hoàng Hà.

Đặc biệt, khi các đối tượng yêu cầu xác thực khuôn mặt qua ứng dụng, là lợi dụng hình ảnh sinh trắc học để truy cập tài khoản và âm thầm thực hiện các lệnh chuyển tiền.

“Vấn đề ở đây là nạn nhân chính là người trực tiếp thao tác – tức họ tự cho phép quyền truy cập, xác thực và đồng ý chuyển tiền. Khi đó, các biện pháp bảo mật thông thường gần như không còn tác dụng”, Trung tá Lâm cảnh báo.

Hiện nay, lực lượng chức năng đã có các biện pháp giám sát và ngăn chặn hành vi lừa đảo qua tài khoản tổ chức. Tuy nhiên, đối với tài khoản cá nhân – vốn không có lớp xác nhận “phê duyệt chi” – người dân cần chủ động tự bảo vệ mình.

Theo quy định mới, từ ngày 1/7/2025, các tài khoản ngân hàng của tổ chức bắt buộc phải có xác nhận “phê duyệt chi” nhằm hạn chế rủi ro mất tiền. Tuy nhiên, với tài khoản cá nhân, việc mất tiền có thể xảy ra chỉ vì vài thao tác nhầm lẫn hoặc sự nhẹ dạ cả tin.

Bài viết liên quan  Tám người bị kh-ởi t-ố trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột gi-ả là ai, vai trò thế nào?

Công an TP Hà Nội cho biết, đây không phải là thủ đoạn mới nhưng vẫn có rất nhiều người – đặc biệt là giới trẻ – sập bẫy do thiếu hiểu biết và không cập nhật thông tin. Các đối tượng thường lợi dụng tâm lý hoang mang, uy hiếp tinh thần nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Công an khẳng định, không có bất kỳ cơ quan chức năng nào gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra. Nếu cần làm việc, sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập chính thức.

Từ đó, Trung tá Lâm khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cài đặt phần mềm lạ từ các nguồn không xác thực; Không truy cập các đường link nghi ngờ hoặc không rõ nguồn gốc; Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân lạ chưa được xác minh danh tính.

Người dân hãy chia sẻ thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè – đặc biệt là người lớn tuổi và sinh viên – những nhóm đối tượng dễ bị tấn công. Khi có dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân hãy liên hệ ngay cơ quan công an gần nhất hoặc gọi tổng đài 113 để được hướng dẫn.

Tiến Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-nguoi-dan-mat-hang-ty-du-da-xac-thuc-khuon-mat-khi-giao-dich-ngan-hang-2402569.html